Ở Việt Nam, các nhà đầu tư mới có thể yên tâm thực hiện những thương vụ trong Covid-19, Nikkei dẫn lời chuyên gia kinh tế.
“Nhìn lại thời điểm khi Covid-19 bắt đầu bùng phát, WTO và các tổ chức khác dự báo kinh tế toàn cầu sẽ sụt giảm và chịu ảnh hưởng nghiêm trọng”, ông Don Lam – Giám đốc điều hành VinaCapital chia sẻ với Nikkei: “Việt Nam nằm trong số các quốc gia có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn nhất bởi xuất khẩu có vai trò đặc biệt quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”
Song,điều ngược lại đã diễn ra. Sự cởi mở đối với thương mại quốc tế của Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế nhanh chóng.
Bất chấp đại dịch có nhiều diễn biến phức tạp, trong năm 2020, Việt Nam đã “ghi điểm” bằng những thành tựu ấn tượng như thực hiện 3 thỏa thuận thương mại, thu hút các nhà đầu tư hàng đầu thế giới, tuyên bố mang sản phẩm điện tử Việt chinh phục thị trường Mỹ và vượt một số nước Đông Nam Á.

Công nhân của Vingroup sản xuất máy thở.
Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh nhất thế giới, ở mức 2,9%, đặt mục tiêu 6,5% vào năm 2021. Việt Nam cũng là điểm đến đầu tư hấp dẫn của nhiều đối tác nước ngoài trong 2020. Khảo sát của Euromonitor cho hay, chỉ xếp sau Mỹ, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 được các nhà đầu tư sẵn sàng xem xét cho các thương vụ dựa trên tiêu chí về sản xuất công nghiệp và công nghệ.
“Việt Nam có lẽ là nơi duy nhất mà các nhà đầu tư có thể yên tâm thúc đẩy các thương vụ”, Nikkei dẫn lời ông Trương Quang, đại diện cho YKVN. Năm qua, trong các thương vụ đình đám, Vingroup có 2 cú bắt tay với đối tác ngoại.
Theo đó, quỹ đầu tư Chính phủ Singapore đã rót 203 triệu USD nhằm thúc đẩy hợp tác toàn diện với chuỗi bệnh viện Vinmec của Vingroup. Trong khi đó, KKR và Temasek Holdings đầu tư 650 triệu USD cùng Vinhomes mở rộng hệ thống, duy trì những nghiên cứu mới và mang tới dịch vụ mới cho khách hàng.
Nhờ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam đã đạt được một cột mốc mới, Nikkei nhận định. Theo báo cáo IMF thực hiện hồi tháng 10/2020, GDP của Việt Nam vượt qua Singapore và Malaysia, lần đầu tiên trở thành nền kinh tế lớn thứ tư ở Đông Nam Á.
Câu chuyện thành công trong phòng chống Covid-19 có thể là chìa khóa để Việt Nam giành được lòng tin từ cộng đồng quốc tế, bao gồm cả các nhà đầu tư nước ngoài ,Nikkei nhấn mạnh.
Ngọc Diệp (Theo Nikkei Asia)
Nguồn: Nikkei: Kinh tế Việt Nam ghi điểm trong đại dịch – vnexpress.net